Session - một thuật ngữ chuyên dụng trong lĩnh vực CNTT và buộc người quản trị website phải hiểu cũng như ứng dụng tốt. Có như vậy, trang web của bạn mới mới phát triển hiệu quả, cung cấp trải nghiệm liền mạch cho người dùng.
Session là gì?
Session hay phiên làm việc, là một cơ chế cho phép website theo dõi và lưu trữ thông tin về một người dùng cụ thể trong suốt thời gian họ tương tác với trang web. Nó tạo ra một “phiên” duy nhất cho mỗi người dùng khi họ truy cập website và duy trì trạng thái này cho đến khi họ rời khỏi trang web hoặc phiên làm việc hết hạn. Nói cách khác, session thường bắt đầu khi người dùng ghé thăm trang web và kết thúc khi họ rời khỏi trang hoặc đóng trình duyệt.
Cơ chế hoạt động của session
Quá trình ghi nhận phiên – session in website diễn ra như sau:
Bắt đầu session => Lưu trữ ID => Lưu trữ dữ liệu => Kết thúc session.
Cụ thể từng bước:
Bước 1:
Việc bắt đầu session (hay khởi tạo session) sẽ bắt đầu bằng việc máy chủ web sẽ tạo ra một định danh duy nhất (session ID) cho phiên làm việc của người dùng đó. Định danh này thường là một chuỗi ký tự ngẫu nhiên, phức tạp để đảm bảo tính duy nhất và bảo mật.
Bước 2:
Bước lưu trữ ID được truyền tải giữa trình duyệt của người dùng và máy chủ trong suốt phiên làm việc. Phương thức này có thể tiến hành thông qua cookies hoặc tham số URL. Với cookies, máy chủ sẽ gửi một cookie chứa session ID về trình duyệt của người dùng. Trình duyệt sẽ tự động gửi cookie này trong các yêu cầu tiếp theo đến cùng website. Trường hợp dùng URL thì session ID có thể được gắn vào cuối URL của các trang web.
Bước 3:
Trong bước lưu trữ dữ liệu, máy chủ sẽ lưu trữ các thông tin liên quan đến phiên làm việc của người dùng, bao gồm các thông tin đăng nhập, các mặt hàng trong giỏ hàng hoặc các tùy chọn đã chọn dưới định danh Session ID tương ứng. Thông tin này thường được lưu trữ trên máy chủ (trong bộ nhớ, tệp tin, hoặc cơ sở dữ liệu).
Bước 4:
Một session được tính là kết thúc khi người dùng đăng xuất hoặc sau một khoảng thời gian nhất định (timeout). Hoặc ghi nhận kết thúc thông qua thao tác người dùng đóng trình duyệt, người dùng đăng xuất hoặc do máy chủ huỷ session.
Cơ chế hoạt động và ghi nhận session website
Tầm quan trọng của session website
Để đưa ra được vai trò chuẩn nhất của session website, chúng ta cần làm rõ một vấn đề. Chính là trong thế giới web, giao thức HTTP vốn dĩ là một giao thức “vô trạng thái” (stateless). Điều này có nghĩa là mỗi yêu cầu từ trình duyệt web đến máy chủ là độc lập và máy chủ không lưu giữ bất kỳ thông tin nào về các yêu cầu trước đó của cùng một người dùng. Để xây dựng các ứng dụng web phức tạp và mang tính tương tác cao, việc duy trì trạng thái của người dùng trong một khoảng thời gian nhất định là vô cùng cần thiết. Đây chính là vai trò của “Session”.
Có thể nói, session đóng vai trò thiết yếu trong các website hiện đại nhờ khả năng duy trì và quản lý dữ liệu người dùng trong suốt quá trình họ tương tác với trang web. Nó giúp đảm bảo tính liên tục và đồng nhất trong trải nghiệm của người dùng, đồng thời tối ưu hóa các hoạt động của website.
Bạn cần thường xuyên phân tích các chỉ số session website để nắm hiệu quả hoạt động
Session cho phép website xác định người dùng đã đăng nhập và duy trì trạng thái đăng nhập của họ trong suốt phiên làm việc, loại bỏ việc phải đăng nhập lại trên mỗi trang.
Trên các trang web thương mại điện tử, session được sử dụng để lưu trữ thông tin về các sản phẩm mà người dùng đã thêm vào giỏ hàng trước khi tiến hành thanh toán. Điều này đặc biệt quan trọng với quy trình vận hành kinh doanh, với các chiến dịch retarget khách hàng.
Session có thể theo dõi các bước hoặc hành động mà người dùng đã thực hiện trên website, bao gồm các trang đã xem, các tùy chọn đã thực hiện,… và lưu trữ lại. Với marketer, các dữ liệu này được xem là quý giá để đánh giá hiệu quả chiến dịch, đánh giá mức độ quan tâm từ người dùng.
Dựa trên thông tin được lưu trữ trong session, website có thể hiển thị nội dung hoặc đưa ra các gợi ý được cá nhân hóa cho từng người dùng, cải thiện trải nghiệm người dùng.
Session ID thường được tạo ra một cách ngẫu nhiên và khó đoán, giúp tăng cường bảo mật so với việc truyền thông tin người dùng trên mỗi yêu cầu.
Session trong Google Analytics (định nghĩa, vai trò)
Nắm được kiến thức tổng quan về session, bạn sẽ hiểu hơn về vai trò của yếu tố này trong các báo cáo GA – Google Analytics. Trong Google Analytics, session là một loạt các hành động của người dùng (trang xem, sự kiện, giao dịch) diễn ra trong một khung thời gian nhất định.
Một phiên bắt đầu khi người dùng truy cập vào trang web và kết thúc sau 30 phút không hoạt động, hoặc vào lúc nửa đêm (tùy thuộc vào cài đặt), hoặc khi người dùng rời khỏi trang web và không quay lại trong vòng 30 phút.
Vai trò của chỉ số session trong GA
- Số lượng phiên là một chỉ số quan trọng để đo lường tổng lưu lượng truy cập vào website.
- Theo dõi các tương tác trong một phiên chuẩn xác (VD: số trang đã xem, thời gian trên trang, các sự kiện đã kích hoạt), Google Analytics giúp bạn hiểu rõ hơn về cách người dùng tương tác với nội dung của mình.
- Báo cáo số lượng phiên từ các nguồn khác nhau như tìm kiếm tự nhiên, quảng cáo trả phí, mạng xã hội giúp bạn đánh giá hiệu quả của các chiến dịch marketing.
- Phiên cũng là cơ sở để tính toán nhiều chỉ số quan trọng khác như tỷ lệ thoát (bounce rate), số trang trên mỗi phiên (pages per session), và thời lượng phiên trung bình (average session duration).
Cách xem session trong Google Analytic
Có 2 cách để xem chỉ số báo cáo về session. Bạn có thể thao tác như sau:
Cách 1: Xem trong Overview Reports - Tổng quan báo cáo
- Bước 1: Truy cập Google Analytics bạn quản trị -> Báo cáo (Reports)
- Bước 2: Trong Báo cáo Tổng quan sẽ lưu ý về các chỉ số về Thu hút (Acquisition Overview. Phần này hiển thị thông tin về cách người dùng đến trang web của bạn, bao gồm cả số phiên theo nguồn lưu lượng truy cập.
Hoặc bạn chọn vào Tổng quan về Tương tác (Engagement Overview) để biết được các chỉ số về tương tác của người dùng, bao gồm cả phiên.
Cách 2: Xem trong Dimensions – Chi tiết phiên theo khía cạnh
- Bước 1: Truy cập Google Analytics bạn quản trị => Báo cáo (Reports)
- Bước 2: Chọn một báo cáo bạn quan tâm
Ví dụ:
- Thu hút => Tổng quan về Thu hút: Xem số phiên theo nguồn lưu lượng truy cập (Organic Search, Direct, Referral, v.v.).
- Thu hút => Thu hút người dùng (User acquisition): Xem số phiên của người dùng mới theo nguồn lưu lượng truy cập đầu tiên của họ.
- Thu hút => Thu hút lưu lượng truy cập (Traffic acquisition): Truy xuất tổng số phiên theo nguồn lưu lượng truy cập.
- Tương tác => Tổng quan về Tương tác: Thể hiện các chỉ số tương tác liên quan đến phiên.
- Nhân khẩu học => Thông tin tổng quan về nhân khẩu học (Demographics overview): Xem số phiên theo các đặc điểm nhân khẩu học.
- Công nghệ => Tổng quan về công nghệ (Tech overview): Hiển thị số phiên theo thiết bị, trình duyệt, hệ điều hành.
Lưu ý, bạn có thể chọn theo khoảng thời gian nhất định để đánh giá session chuẩn xác hơn.
Như vậy, session không chỉ là một khái niệm quan trọng trong lập trình web mà còn đóng vai trò cốt lõi trong việc theo dõi và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Việc hiểu rõ cách hoạt động của session giúp bảo mật dữ liệu, duy trì thông tin người dùng trong suốt quá trình truy cập; đồng thời cung cấp những dữ liệu quan trọng để phân tích hành vi, cải thiện hiệu suất website và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị.
Hy vọng bài viết của Bdsweb- Doanh nghiệp thiết kế website bất động sản chuyên nghiệp hữu ích với bạn!
- Web 3.0 là gì? Những kiến thức quan trọng về web 3.0
- Khám phá microsite, phân biệt microsite và landing page chuẩn nhất
- Session là gì? Tầm quan trọng của session website
- RSS là gì? Cách tạo RSS feed cho web đơn giản nhất
- Tag là gì? Vai trò và cách dùng tag chuẩn nhất
- Plugin là gì? Vai trò của plugin